Review sách: Rừng Na Uy – Haruki Murakami

EDA99F01-6807-4FC0-A943-F305A4C80C5E

Đây là lần đầu tiên mình viết một bài review sách nên văn phong có chút lủng củng. Có gì mọi người bỏ qua cho mình nhé!

Mình đọc xong Rừng Na-uy vào một buổi chiều lộng gió mát cuối mùa xuân, nằm cô đơn trên giường, lắng nghe tiếng sột soạt phát ra khi lật từng trang giấy của cuốn sách, mình đã biết rằng bản thân sắp đi đến cái kết của một câu chuyện tuyệt vời…

Mình đã từng được thấy một anh bạn trong phòng kí túc xá đọc cuốn sách này từ những năm cấp 3, nhưng đến bây giờ mình mới có thể đọc xong trọn vẹn sau nhiều lần đứt quãng giữa chừng rồi lại tiếp tục đọc.

Rừng Na-uy được viết trong bối cảnh Nhật Bản cuối những năm 1960. Bao trùm cả quyển sách là một bầu không khí u ám nặng nề. Khi mở đầu cuốn sách, ta đã thấy cái chết của Kizuki và kết thúc bằng cái chết của Naoko. Có một câu nói mà mình tâm đắc nhất trong sách, đó là “Sự chết tồn tại, không phải như một đối nghịch mà là một phần của sự sống. Bằng cách sống cuộc đời của mình, chúng ta đang nuôi dưỡng sự chết”. Hiển nhiên như vậy, nhưng đó lại là một chân lý duy nhất mà chúng ta phải học mới biết được. Còn cái mà mình học được từ cái chết của Kizuki và Naoko là thế này: không có chân lý nào có thể làm dịu được nỗi đau buồn khi mất một người mình yêu dấu. Không một chân lí nào, một tấm lòng  trung thực nào, một sức mạnh nào, một tấm lòng từ ái nào, có thể làm dịu được nỗi đau buồn ấy. Chúng ta chỉ có thể chịu đựng nỗi đau ấy cho đến tận cùng và cố học được một điều gì đó, nhưng bài học ấy cũng lại chẳng có ích gì nữa khi chúng ta phải đối mặt với một nỗi đau buồn mới sẽ ập đến không biết lúc nào…

Có ba hình tượng khiến mình ám ảnh suốt từ lúc giở những trang sách đầu tiên. Đó chính là: Rượu, Tình dục và Cái chết. Mình cảm thấy bản thân thật may mắn khi không đọc cuốn sách này khi còn ở cấp 3, vì những hình tượng mình kể trên mà sách được gán nhãn 18+, không phù hợp với bất kì người Việt Nam nào dưới 18 tuổi.

Những loại rượu whisky, cocktail hay vodka, sake được lặp đi lặp lại không ngừng trong tác phẩm và nhân vật chính của chúng ta – Toru Watanabe là người thưởng thức chúng. Cậu ấy uống rượu như một thứ nước giải khát bình thường, Không chỉ Watanabe mà bạn bè cậu, người thân cậu hay thậm chí cả xã hội Nhật Bản đều ngập tràn trong chất men say độc hại ấy. Cũng giống như cách mà người Việt chúng ta dành sự ưu ái cho trà sữa vậy đó.

Nhưng có lẽ, nếu không có rượu, họ sẽ không là họ và chúng ta chẳng thể nào có một câu chuyện hay để tiếp tục mong chờ đoạn kế tiếp.

Sự hiện hữu của tình dục còn nhiều hơn thế… Nhưng dường như tác phẩm của Murakami được mang một màu sắc mới khi ông miêu tả chúng ở đây. Không có gì là thô thiển hay dung tục ở đây cả, với mình đó là một trong những yếu tố rất đẹp, đẹp đến nỗi ta có thể nhìn thấy trong ánh mắt họ những nỗi niềm như hạnh phúc, tuyệt vọng và những lời cầu cứu không thành tiếng.

Và rồi, trên tất cả, khủng khiếp nhất đối với con người ta là cái chết. Và trong tác phẩm này, từng người một ra đi theo cách của họ mà chẳng ai ngờ đến được. Đa phần trong số họ đều là tự kết liễu cuộc đời mình… Cứ mỗi lần giở sang trang tiếp theo, mình lại sợ rằng có ai đó phải chết, điều đó thật khó chấp nhận làm sao. Và đã có nhiều lần mình lại hét toáng lên: “Gì vậy, lại chết nữa sao!!?”…

Rừng Na-Uy đem đến cho ta day dứt và ám ảnh nhưng suy cho cùng ta vẫn có thể cảm nhận được vẻ đẹp riêng của nó. Hãy đọc và tự mình cảm nhận những vẻ đẹp đó nhé! Và đừng quên xem thêm bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Rừng Na-Uy của đạo diễn tài năng người Pháp gốc Việt – Trần Anh Hùng. Bộ phim sẽ mở ra cho bạn những hình ảnh chân thật mà bạn phải dày công tưởng tượng khi đọc sách. Nhưng chắc chắn rồi, cảm giác tưởng tượng ấy vẫn thú vị hơn nhiều nhỉ?

4.3/5 - (7 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *